Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non

Đối với trẻ Mầm non, việc hình thành và rèn luyện kỹ năng sống (KNS) có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp trẻ tự biết chăm sóc và bảo vệ bản thân tránh khỏi những nguy hiểm. Trẻ biết hòa nhập nhanh với cuộc sống xung quanh, biết cách phát triển các mối quan hệ với mọi người, với thiên nhiên từ đó học hỏi và làm giàu thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm cũng như những kỹ năng của bản thân.

170622 mamnon 1

Hướng dẫn trẻ kỹ năng gấp quần áo...

170622 mamnon 2

...Và kỹ năng rửa tay cho sạch

1. Những biểu hiện của trẻ khi thiếu kỹ năng sống
- Trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp sẽ bị hạn chế trong việc dùng khả năng giao tiếp của mình cho các mục đích xã hội, như chào hỏi và chia sẻ thông tin để phù hợp với bối cảnh.
- Trẻ thiếu kỹ năng tự chăm sóc bản thân sẽ bị phụ thuộc vào người khác, không chủ động, thiếu tự tin.
- Trẻ thiếu kỹ năng tự bảo vệ sẽ thụ động, không biết cách ứng phó trong các tình huống nguy cấp, không biết tự bảo vệ bản thân.
- Trẻ thiếu kỹ năng làm việc đội nhóm làm cho trẻ không hòa đồng, gây mất đoàn kết, giận dỗi trong nhóm hoặc ganh tỵ với bạn bè.
- Trẻ thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi sẽ khiến trẻ trở nên hung hăng, hay mất bình tĩnh.
2. Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở trường Mầm non.
2.1. Phát triển kỹ năng giao tiếp.
- Biết nói lời xin lỗi, biết nói cám ơn.
- Không cướp lời, nói leo khi người khác nói.
- Không tự tiện lấy và sử dụng đồ dùng của người khác.
2.2. Phát triển kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
- Kỹ năng tự xúc ăn.
- Kỹ năng tự mặc quần áo.
- Kỹ năng tự chăm lo vệ sinh cá nhân.
2.3. Phát triển kỹ năng tự bảo vệ.
Kỹ năng phân biệt nguy hiểm.
Dạy trẻ học cách nhận biết đồng thời hành động đúng và kịp thời bảo vệ bản thân khi đối mặt với nguy hiểm thông qua các tình huống.
Kỹ năng tự xoay sở.
Khi trẻ gặp phải một vấn đề nào đấy, giáo viên đừng thay trẻ giải quyết mọi vấn đề, trừ trường hợp bắt buộc phải làm như thế. Thay vào đó hãy giúp trẻ tìm kiếm giải pháp thích hợp, điều này chứng tỏ bạn tin tưởng trẻ có khả năng tự giải quyết vấn đề.
2.4. Phương pháp phát triển kỹ năng làm việc đội nhóm.
Kỹ năng làm việc cùng bạn trong nhóm lớp và tập thể.
Trẻ thường yêu thích trò chơi do chúng lựa chọn và tự đề ra cách chơi, tự phân nhóm. Vì vậy để việc giáo dục mang tính hiệu quả cao, người giáo viên cần tiến hành bài dạy thông qua giáo án, trò chơi học tập, phân vai, diễn kịch...Với niềm say mê tự khám phá từ các bài học, trẻ rút ra kiến thức để vận dụng trong cuộc sống, mỗi trẻ sẽ giới thiệu nhiều kết quả bất ngờ.
Kỹ năng học cách có được những mối liên hệ mật thiết với các bạn khác trong lớp, biết chia sẻ, chăm sóc, lắng nghe, trình bày và diễn tả được ý mình trong nhóm bạn.
Khi trẻ tham gia vào một hoạt động nhóm đòi hỏi trẻ phải có sự làm việc nghiêm túc, phải phân công rõ ràng để đạt được kết quả. Giáo viên cần có sự động viên để trẻ thấy được sự nỗ lực của cả nhóm trong quá trình trẻ làm việc theo nhóm. Trẻ học được cách chia sẻ, đoàn kết, lắng nghe, trình bày ý mình cùng các thành viên. Giáo viên cần nhận xét sao cho trẻ cảm nhận được mỗi thành viên trong nhóm đều rất quan trọng và đều đã làm việc rất tốt. Dù kết quả đó có đạt yêu cầu hay không đạt yêu cầu thì trẻ vẫn cảm thấy giá trị của sự đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm, tự biết động viên và an ủi, tạo niềm vui cho nhau thông qua kết quả tập thể đạt được.
Kỹ năng tạo ra tinh thần đồng đội.
Giáo viên cần tổ chức thường xuyên và đa dạng các hoạt động làm việc theo nhóm, các trò chơi, các bài tập yêu cầu mang tính tập thể. Giúp trẻ nhận ra việc: Đoàn kết có thể làm nên tất cả.
2.5. Phương pháp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Kỹ năng kiểm soát hành vi.
Trẻ ở lứa tuổi này đã bắt đầu biết kiểm soát hành vi của mình tuy nhiên trẻ vẫn có nhiều hành động chưa thể tự kiểm soát được. Chúng ta sẽ gặp trường hợp trẻ trở nên hung hăng, hay mất bình tĩnh vì đây là một phần bình thường trong quá trình phát triển. Nguyên nhân một phần là do trẻ chưa đủ kỹ năng nói để thể hiện cảm xúc của mình.
Các trẻ trong độ tuổi này cần được người lớn cổ vũ và khen ngợi để sửa hành vi hung hăng. Trẻ có thể sẽ tốt hơn nếu được hứa hẹn về những phần thưởng khi trẻ ngừng đánh hay cào cấu ai. Cô tạo ra một bảng thi đua cá nhân đối với những trẻ có hành vi tốt.
2.6. Kỹ năng tư duy tích cực, giải quyết nhanh vấn đề.
Trong cuộc sống những đứa trẻ chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề và đủ loại khó khăn trong cuộc sống, và đó là một phần trong quá trình trưởng thành. Thông qua việc giải quyết những khó khăn, trẻ học được những kỹ năng giải quyết nhanh vấn đề, những kỹ năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.
Để làm được điều đó thì giáo viên cần bao quát trẻ để ý những thói quen hành vi của trẻ. Khi trẻ gặp những vấn để trong cuộc sống chúng ta không vội vàng giúp trẻ giải quyết mà để trẻ tự tìm những phương án giải quyết cho mình.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Mỗi trẻ có những yếu tố cá nhân khác nhau và sự ảnh hưởng của các quan hệ xã hội cũng như hoàn cảnh sống, môi trường trải nghiệm khác nhau nên nhà giáo dục cần có những hình thức, biện pháp linh hoạt, hợp lý và tận dụng các điều kiện để tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm. Với KNS phong phú trẻ sẽ biết cách khai thác kiến thức từ cuộc sống xung quanh, tạo lập các mối quan hệ với tự nhiên và con người để sống an toàn, hòa bình và phát triển.

Các tin khác