Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

Đại biểu Quốc hội: Dạy - học trực tuyến như một điểm sáng của ngành Giáo dục

Việc ứng dụng công nghệ trong dạy - học trực tuyến như một điểm sáng cho sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ.

20200617 giao duc1

GD-ĐT là quốc sách hàng đầu

Thảo luận tại hội trường phiên làm việc sáng nay (13/6) – Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh: GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết cho một đất nước phát triển hưng thịnh.

Theo đại biểu, trong kỷ nguyên số như hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố cấp thiết hơn bao giờ hết. Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ sẽ là nền tảng cho tất cả các hoạt động khác trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Sau đại dịch Covid-19 vừa qua, việc áp dụng khoa học công nghệ trên tất cả các mặt trận đã chứng minh điều đó. Và việc ứng dụng công nghệ trong dạy - học trực tuyến của ngành Giáo dục như một điểm sáng cho sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ.

20200617 giao duc2

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 13/6

Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội định hướng về mức chi ngân sách Nhà nước là phấn đấu đảm bảo 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT. Nghị quyết 266/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ ra 6 nguyên tắc lớn, trong đó nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực xã hội gồm: GD-ĐT, khoa học công nghệ, môi trường, y tế và một số lĩnh vực khác.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ viện dẫn: Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi GD-ĐT và dạy nghề trên tổng chi ngân sách 2018 là 14,2%; năm 2019 giảm xuống còn 14,03%; quyết toán chi GD-ĐT và dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán; chi khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2018 cũng chỉ là 0,76%, đạt 91% dự toán.

Vẫn còn bất cập

Liên quan đến chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết: Báo cáo kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách đã chỉ ra một số bất cập trong việc triển khai Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2016 ở một số địa phương, liên quan đến lĩnh vực phân bổ ngân sách.

Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, các địa phương có dân số ít, số lượng học sinh đi học cao thì việc phân bổ kinh phí cho GD-ĐT tính theo dân số địa phương sẽ bị thiếu hụt và các địa phương này phải tính bổ sung chi sự nghiệp giáo dục theo quỹ lương, đảm bảo tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản khác theo tỷ lệ là 82,18%.

Tuy nhiên, khi thực hiện định mức chi theo tỷ lệ, ở địa phương Hà Tĩnh cũng như một số tỉnh khác gặp một số khó khăn vướng mắc như sau: Do bị khống chế về định mức biên chế nên thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong khi các hoạt động chuyên môn giảng dạy và học tập không đổi.

Điều này dẫn đến tình trạng, các trường có số biên chế giáo viên thiếu, kinh phí phục vụ cho học tập giảng dạy, học tập 18% sẽ là không đủ. Kết quả là các địa phương không những phải bù kinh phí hoạt động thường xuyên mà còn phải bù kinh phí giảng dạy cho các trường thiếu giáo viên.

Cũng theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước áp dụng cho năm 2017, là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020.

Các năm còn lại thực hiện theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước 2017-2020. Quyết định này dẫn đến các khoản chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy, học tập năm 2017 có thể đạt được mức tuyệt đối, tương đương với tỷ lệ 18%;

Nhưng càng về những năm sau, tỷ lệ này sẽ giảm do mức lương cơ sở trong những năm qua diễn biến tăng hàng năm, trong khi các hoạt động chuyên môn ổn định, không đổi, làm cho tỷ lệ của các khoản chi cho giảng dạy, học tập bị giảm. Điều này không đúng với tinh thần của Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg.

Từ thực trạng trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, năm nay cũng là năm kết thúc của giai đoạn ổn định ngân sách Nhà nước 2017-2020, Bộ Tài chính cần thiết tham mưu cho Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 46.

Trong đó, đối với lĩnh vực GD-ĐT và dạy nghề, bên cạnh tiêu chí xác định, định mức là dân số làm cơ sở để tính toán cần có sự bổ sung thêm các tiêu chí khác như: số học sinh đi học ở từng địa phương và tỷ lệ chi cho công tác giảng dạy, học tập chuyên môn khác. Đề nghị tăng ở mức 18% lên 25% thì mới đảm bảo mức chi đúng và chi đủ.

Các tin khác