Trường Đại học Hà Tĩnh - HaTinh University

Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh cần chuẩn bị những gì trước quá trình hội nhập ASEAN?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lậpđánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tiến tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều thuận lợi và thách thức cho sinh viên, đòi hỏi sinh viên phải có một “nội lực” đủ mạnh mới hội nhập tốt, để trở thành “Công dân toàn cầu”.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: Economic Community, viết tắt: AEC) là một khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư sẽ được chu chuyển tự do. Các lao động của Việt Nam cũng như các nước cũng sẽ được di chuyển và tìm kiếm việc làm trong 10 nước thành viên. Điều này có nghĩa là người lao động Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh việc làm gay gắt từ lao động các nước. Do vậy, việc đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học trong nước hiện nay.

Một câu hỏi đặt ra là: “Trước cơ hội cũng như thách thức của quá trình hội nhập ASEAN mang lại, sinh viên và Trường Đại học Hà Tĩnh cần phải chuẩn bị những gì?”

S1

Sinh viên tham gia ghép tranh với chủ đề hội nhập

Việc đầu tiên là sinh viên cần quan tâm, tìm hiểu về quá trình hội nhập. Điều đáng lo ngại là sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn dửng dưng, thậm chí nhiều sinh viên chưa hề biết thông tin. Nếu như không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ chắc chắn sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.  

Thứ hai, cần nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng thực tế như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian…

Đây là điểm yếu của sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng. Trình độ ngoại ngữ đặc biệt là kỹ năng mềm của sinh viên còn mang tính chất đối phó và yếu kém so với mặt bằng chung trong khu vực. Hiện nay, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh ngành thấp nhất là 400 điểm TOEIC cho hệ đại học, 350 điểm cho hệ cao đẳng. Tất cả sinh viên đều có điều kiện tham gia các khóa học cấp chứng chỉ tin học, kỹ năng mềm. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên còn chưa chú tâm trau dồi kỹ năng và kiến thức, chưa ứng dụng được trực tiếp vào công việc sau khi ra trường. Về kỹ năng mềm, sinh viên các nước tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện cho bản thân nhằm tự tin hơn trong công việc. Trong khi đó, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tình nguyện nhưng nhiều bạn vẫn tham gia theo kiểu hình thức để lấy chứng nhận cộng điểm rèn luyện chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ ba, học tập tốt các môn chuyên ngành của chương trình đại học hoặc cao đẳng; cần chủ động trong việc tiếp cận nghề nghiệp. Ngay từ năm đầu tiên sinh viên cần đặt mục tiêu học tập phấn đấu về vị trí, doanh nghiệp muốn làm việc trong tương lai.

Thứ tư, học các bằng cấp nghề nghiệp quốc tế như FIA ngay khi là sinh viên năm nhất; học thêm các bằng cấp quốc tế được công nhận rộng rãi ở khu vực ASEAN và trên toàn cầu. Những bằng cấp quốc tế này là hộ chiếu để người lao động Việt Nam làm việc ở các nước ASEAN.

Thứ năm, nên chủ động thực hành và sử dụng tiếng Anh giao tiếp và viết trong  quá trình rèn luyện; thường xuyên sử dụng Word, Excel, Powerpoint và các phần mềm khác trong quá trình học tập, làm việc bán thời gian hay thực tập; luôn giữ thái độ tích cực và chuyên nghiệp, tập tư duy mang tầm khu vực và toàn cầu (global mindset). Ngoài ra, sinh viên cũng nên lưu ý đến ngôn ngữ trong khu vực ngữ của quốc gia mình dự định tham gia lao động dễ dàng hòa nhập…

Để sinh viên thực hiện được những điều trên, nhà trường cũng cần có những giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên học tập và rèn luyện mọi kỹ năng; nâng cao chất lượng giảng dạy về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm và tăng cường các chương trình ngoại khóa thực tế cho sinh viên. Các khoa đào tạo cần thay đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong nước cũng như khu vực; đưa vào các chương trình đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh cho sinh viên; tìm hiểu xem các doanh nghiệp cần gì ở sinh viên để tạo đầu ra dễ dàng hơn. Việc trao đổi sinh viên cũng là một giải pháp để sinh viên có thể tìm hiểu thị trường lao động tiềm năng tại các nước.

S2

Bức tranh “Năm sinh viên hội nhập”

Trong tương lai Trường Đại học Hà Tĩnh nên hướng tới việc đăng ký kiểm định, đánh giá bởi các tổ chức kiểm định quốc tế hoặc các chuẩn theo hệ thống kiểm định mà khối ASEAN công nhận lẫn nhau; Tạo điều kiện trao đổi sinh viên, sinh viên có thể tham gia theo học một số học kỳ của trường đại học trong nước và sau đó học một số học kỳ tại một trường đại học khác và sau khi tốt nghiệp bằng đó sẽ được công nhận chung trong các nước ASEAN; đặc biệt là các chương trình đào tạo được Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN), chương trình ASEAN-QA đánh giá và công nhận. Có như vậy, sinh viên mới có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong tình hình hiện nay. 

Các tin khác